1
Bạn cần hỗ trợ?

VẸO VÁCH NGĂN MŨI: CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

KHÁI NIỆM

  • Vách ngăn mũi là bức tường chia khoang mũi thành 2 phần bằng nhau, đối xứng nhau qua mặt phẳng đứng dọc, gọi là hốc mũi trái và hốc mũi phải. Vách ngăn mũi được cấu tạo bởi khung xương, sụn bao phủ 2 bên bởi da và niêm mạc.
  • Vẹo (lệch) vách ngăn là tình trạng vách ngăn không ở vị trí chính giữa, nó có thể biến dạng dưới nhiều hình thái khác nhau.

NGUYÊN NHÂN

  • Dị tật bẩm sinh: Trong một số trường hợp, vẹo vách ngăn xảy ra trong quá trình phát triển của thai nhi và xuất hiện rõ ràng vào lúc sinh. Chính sự phát triển không cân xứng của xương lá mía, sụn vách ngăn và mảnh đứng xương sàng tạo nên các hình thái vẹo vách ngăn.
  • Chấn thương mũi: chấn thương là nguyên nhân thường thấy nhất. Những tai nạn hay chèn ép trong thời kì mang thai có thể gây ra vẹo vách ngăn. Một chấn thương như vậy có thể xảy ra trong khi sinh, trẻ được sinh bằng đường tự nhiên rất thường gây ra vẹo vách ngăn và biến dạng mũi. Ở trẻ em và người lớn, một loạt các tai nạn có thể dẫn đến chấn thương mũi và lệch vách ngăn, vấp ngã hoặc va chạm với người khác. Chấn thương mũi thường xảy ra nhất trong các môn thể thao, trò chơi hoạt động, nô đùa hoặc tai nạn giao thông.

TRIỆU CHỨNG VÀ CHẨN ĐOÁN

  1. TRIỆU CHỨNG CƠ NĂNG

Đây là những triệu chứng thường gặp và cũng là những triệu chứng làm ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống khiến người bệnh phải đi khám.

  • Nghẹt mũi: là triệu chứng thường gặp nhất. Triệu chứng này thường xảy ra trong trường hợp vẹo ở 2cm đầu tiên của vách ngăn mũi, đó là điểm bắt đầu của van mũi.
  • Đau đầu: thường gặp ở các trường hợp vẹo vách ngăn mũi phần cao, thường đau ở vùng thái dương, đỉnh, chẩm. Đau đầu thường kèm theo cảm giác ê ẩm đau trong mũi hoặc hai bên rễ mũi.
  • Biến dạng tháp mũi
  • Chảy mũi
  • Hắt hơi
  • Giảm khứu
  • Chảy máu mũi
  1. TRIỆU CHỨNG THỰC THỂ

Có thể khám bằng đèn đeo trán và banh mũi hoặc tốt nhất là bằng nội soi mũi để thấy được toàn bộ vách ngăn.

Các hình thái vẹo vách ngăn quan sát được khi khám thường là cong hình chữ C, hình chữ S, mào, gai, dày vách ngăn và vách ngăn căng thẳng. Các điểm lồi của vách ngăn vẹo có thể chạm vào các cấu trúc của thành ngoài hốc mũi như cuốn mũi giữa hoặc cuốn mũi dưới.

  1. CẬN LÂM SÀNG
  • X quang thông thường: chụp xquang quy ước có thể thấy vẹo ở phần vách ngăn xương, nhưng không cho thấy rõ vẹo phần sụn.
  • CT và MRI: có thể cho thấy nhiều chi tiết hữu ích của những vùng hẹp nhất của mũi như nóc mũi hay khe khứu
  • Khí mũi kế (rhinomanometric) để đo áp lực thở của từng hốc mũi đư­ợc cụ thể hơn hoặc có thể ghi lại trên giấy để có bằng chứng
  • Đo mũi bằng sóng âm: Cho ta những thông tin về diện tích cắt ngang của mũi và vị trí của nó, như thế có thể xác định được vị trí nghẹt.

Nói chung, để chẩn đoán xác định thì chỉ cần dựa vào triệu chứng cơ năng, thực thể và CTscan là đủ để kết luận.

ĐIỀU TRỊ

  1. ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA

Vẹo vách ngăn mũi gây nên sự tắc nghẽn cơ học, vì thế điều trị nội khoa chỉ là điều trị triệu chứng tạm thời và ngắn ngày bằng thuốc co mạch tại chỗ, thuốc chống dị ứng và chống viêm nếu có dị ứng và viêm nhiễm kèm theo.

Điều trị nội khoa không thể điều chỉnh được vách ngăn vẹo, việc dùng thuốc co mạch tại chỗ thường xuyên và kéo dài để giảm nghẹt mũi chỉ làm cho tình trạng ngày một xấu hơn gọi là viêm mũi do thuốc.

  1. ĐIỀU TRỊ NGOẠI KHOA

Phẫu thuật là điều trị duy nhất đối với vẹo vách ngăn. Có hai phương pháp phẫu thuật được sử dụng.

  • Xén vách ngăn dưới niêm mạc: được Freer mô tả năm 1902, sau đó được Killian và một số tác giả khác cải tiến.
  • Chỉnh hình vách ngăn: Cottle đã phát triển kĩ thuật này vào những năm 50 của thế kỉ XX. Với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, ngày nay các phẫu thuật viên đã áp dụng nội soi vào phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn mũi.

Tại Bệnh viện Đa khoa Bình Dân Đà Nẵng, đang áp dụng phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn mũi bằng nội soi và cả mổ hở tùy theo trường hợp. Với tay nghề cao và nhiều năm kinh nghiệm trong phẫu thuật điều trị vẹo vách ngăn, khoa Tai Mũi Họng sẽ đem đến sự hài lòng thật sự cho các bệnh nhân. Đặc biệt, chúng tôi áp dụng cải tiến mới, không đặt vật liệu cầm máu và ép vách ngăn sau mổ nhằm tạo cảm giác nhẹ nhàng, thoải mái, không bị tắc và căng tức mũi, không phải khó chịu vì phải thở bằng miệng sau khi mổ.