Theo Ts. Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, kết quả điều tra của Bệnh viện thời gian vừa qua cho thấy, tỷ lệ bướu cổ trẻ em từ 8-10 tuổi là 9,8%, trong khi giai đoạn trước chỉ dưới 5%.
Ts. Dương cho biết, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), độ bao phủ sử dụng iốt trên 90% dân số và tỷ lệ bướu cổ ở trẻ 8-10 tuổi là 5% và Việt Nam đã thực hiện thành công tỷ lệ này vào năm 2005. Tuy nhiên, sau đó, Nhà nước không đầu tư kinh phí miễn phí sản xuất muối iốt và không yêu cầu bắt buộc, dần dẫn đến nguy cơ thiếu iốt như hiện nay. Đến thời điểm hiện tại, tất cả chỉ số theo tiêu chuẩn của WHO đều báo động, khi tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 69% dân số, một số tỉnh thậm chí dưới 50%, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ từ 8-10 tuổi tăng lên 9,8% dẫn đến việc phòng tránh bệnh tật khó khăn cho ngành y tế.
Ảnh minh họa |
Theo điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ thiếu hụt iốt hiện nay nằm ở đồng bằng, thành phố là chủ yếu chứ không phải ở miền núi. Bởi từ trước năm 2005 đến nay, khu vực Tây Nguyên, miền núi vẫn có chính sách trợ cước, trợ giá cho muối iốt, sau đó các tỉnh có hỗ trợ mua muối iốt cho bà con nên đồng bào khu vực miền núi vẫn có muối iốt dùng, người dân không thiếu muối iốt, trẻ con giảm bướu cổ hơn. Còn ở đồng bằng, trẻ em lại thiếu iốt nhiều hơn.
Các chuyên gia y tế cho biết, iốt là một vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho hoạt động của tuyến giáp, sự tăng trưởng và phát triển. Thiếu iốt là một vấn đề y tế công cộng đối với mọi người dân trên toàn thế giới, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, là một mối đe dọa cho sự phát triển xã hội và kinh tế của quốc gia. Ở trẻ em thiếu iốt sẽ ảnh hướng tới trí thông minh, sự phát triển của trẻ. Ở các vùng thiếu iốt, chỉ số IQ của trẻ thấp hơn các vùng khác.
Theo các chuyên gia y tế, để cung cấp đủ lượng iốt cho cơ thể, cách tốt nhất là đảm bảo các loại thực phẩm sử dụng hàng ngày phải chứa đủ hàm lượng iốt. Đặc biệt với phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ cần phải uống một loại vitamin tổng hợp chứa iốt mỗi ngày.