Các phương pháp chữa bệnh bướu cổ
Có rất nhiều phương pháp điều trị bướu cổ, tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định 1 trong 3 phương pháp sau:
Phóng xạ iốt
Bệnh nhân sẽ uống iốt phóng xạ, sau đó iốt sẽ theo máu đến tuyến giáp để phá hủy tế bào. Phương pháp này có hiệu quả cho khoảng 90% trường hợp điều trị, trong đó 50 – 60% người bệnh giảm kích thước bướu sau 12 – 18 tháng. Phương pháp này có thể khiến tuyến giáp hoạt động kém nhưng trường hợp này rất hiếm.
Uống thuốc
Nếu bệnh nhân suy giáp, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc thay thế hormone tuyến giáp. Các loại thuốc này sẽ làm chậm việc giải phóng hormone kích thích tuyến giáp từ tuyến yên nên giúp bướu nhỏ lại.
Nếu nguyên nhân là do viêm tuyến giáp, bác sĩ sẽ chỉ định uống aspirin hoặc thuốc corticosteroid để điều trị.
Lưu ý đôi khi các loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau ngực, đổ mồ hôi, nhức đầu, tim đập nhanh…
Phẫu thuật
Nếu bướu có kích thước lớn, gây khó chịu, khó thở hoặc khó nuốt thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Bác sĩ sẽ lựa chọn một trong các các phương pháp cắt thùy, cắt giáp gần trọn, cắt giáp toàn phần, cắt eo giáp. Ngoài ra, trong một số trường hợp có thể chọc hút bằng kim để rút nước cho trường hợp bướu chứa nước (gọi là nang giáp).
Bướu cổ lành tính có nên mổ không?
Phần lớn bướu cổ lành tính và hầu như không phải phẫu thuật. Chỉ trong những trường hợp thật sự cần thiết mới có chỉ định phải dùng đến phương pháp mổ. Các trường hợp bướu lành cần phải mổ gồm:
- Bướu lành gây chèn ép khó thở, khó nuốt hoặc gây mất thẩm mỹ
- Nghi ngờ ung thư
- Rối loạn chức năng tuyến giáp loại cường giáp.
- Không cần mổ trong trường hợp bướu lành kích thước nhỏ và không bắt buộc mổ khi bướu lành to nhưng không gây khó thở, khó nuốt. Khi bướu lành, nhỏ, không gây khó chịu, thường không cần điều trị gì và theo dõi bằng cách tái khám định kỳ mỗi 1 – 2 năm một lần. Cần đi khám ngay nếu có thay đổi vùng cổ hoặc bất thường trong cơ thể.