1
Bạn cần hỗ trợ?

VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP TÍNH DO CHỦNG VI RÚT CORONA MỚI (Covid-19)

ĐẠI CƯƠNG

Vi rút Corona (CoV) là một họ virút có khả năng lây truyền từ động vật sang người và gây bệnh cho người từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012.

Từ tháng 12 năm 2019, một chủng vi rút corona mới (2019-nCoV) đã được xác định là căn nguyên gây dịch nhiễm trùng hô hấp cấp tính tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), sau đó lan rộng ra toàn Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.

Chủng 2019-nCoV ngoài khả năng lây truyền từ động vật sang người, còn có khả năng lây trực tiếp từ người sang người qua giọt bắn đường hô hấp khi tiếp xúc gần.

Người nhiễm 2019-nCoV có biểu hiện lâm sàng đa dạng: từ nhiễm không có triệu chứng, giống như cảm cúm thông thường, tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch.

Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh 2019-nCoV nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.

ĐỊNH NGHĨA CA BỆNH

Trường hợp bệnh nghi ngờ

Bao gồm các trường hợp:

Người bệnh có sốt và viêm đường hô hấp cấp tỉnh

VÀ không lý giải được bằng các căn nguyên khác

VÀ có tiền sử đến/ở/đi về từ vùng dịch tễ có bệnh do 2019-nCoV trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.

Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào

VÀ có ít nhất một trong hai yếu tố dịch tễ sau, xuất hiện trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng:

Tiếp xúc gần (*) với trường hợp bệnh có thể hoặc xác định nhiễm 2019-nCoV.

Làm việc hoặc có mặt tại các cơ sở y tế đang điều trị các ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính đã xác định hoặc có thể nhiễm 2019-nCoV VÀ tiếp xúc trực tiếp với những người bệnh này.

* Tiếp xúc gần bao gồm:

– Tiếp xúc tại các cơ sở y tế, bao gồm: trực tiếp chăm sóc người bệnh nhiễm 2019-nCoV; làm việc cùng với nhân viên y tế nhiễm 2019-nCoV; tới thăm người bệnh hoặc ở cùng phòng bệnh có người bệnh nhiễm 2019-nCoV.

– Tiếp xúc trực tiếp trong khoảng cách ≤1-2 mét với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm 2019-nCoV.

– Sống cùng nhà với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm 2019-nCoV.

– Làm việc cùng phòng, học cùng lớp, sinh hoạt chung… với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm 2019-nCoV.

– Di chuyển trên cùng phương tiện với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm 2019-nCoV.

Trường hợp bệnh có thể

Là các trường hợp bệnh nghi ngờ nhưng không thể lấy bệnh phẩm xét nghiệm hoặc chưa có kết quả xét nghiệm khẳng định.

Trường hợp bệnh xác định

Là trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc có thể đã được khẳng định bằng xét nghiệm real-time RT-PCR dương tính với 2019-nCoV hoặc bằng kỹ thuật giải trình tự gene.

CHẨN ĐOÁN

Có ít nhất 01 trong 04 triệu chứng:

–      Sốt hoặc

–      Ho hoặc

–      Khó thở hoặc

–      Viêm phổi

Có 01 trong 04 yếu tố dịch tể

1.  Nhập cảnh vào VN từ TQ hoặc từng qua TQ trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh

2.  Nhập cảnh vào VN từ các QG và vùng lãnh thổ ≠ ngoài TQ có trường hợp bệnh xác định, có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ tại những nước này trong vòng 14 ngày  trước khi khởi phát bệnh

3.  Có tiền sử đến/ở/về từ dịch đang hoạt động tại VN trong vòng 14 ngày  trước khi khởi phát bệnh

4.  Tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ tại VN trong vòng 14 ngày  trước khi khởi phát bệnh

 

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH

Biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu

Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

– Không đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rửa tay với xà phòng…

– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết tiếp xúc phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách ít nhất 2 mét khi tiếp xúc.

– Người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng; không nên đến nơi tập trung đông người. Học sinh, sinh viên khi có biểu hiện nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh không đến trường và thông báo cho cơ quan y tế.

– Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.

– Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

– Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.

– Không mua bán, tiếp xúc với các loại động vật hoang dã.

– Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.

– Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

– Thường xuyên vệ sinh nơi ở, cơ quan, trường học, xí nghiệp nhà máy… bằng cách lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà với xà phòng, chất tẩy rửa thông thường; hóa chất khử khuẩn khác theo hướng dẫn của ngành y tế.

Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu

Hiện nay bệnh chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu.

Vệ sinh tay

Chỉ định vệ sinh tay

Vệ sinh tay với xà phòng và nước sạch

Bất cứ khi nào bàn tay có dính máu và dịch cơ thể trong quá trình chăm sóc, điều trị người bệnh

Vệ sinh tay bằng xà phòng và nước cũng cần được thực hiện trước và sau buổi làm việc, sau khi đi vệ sinh, sau thu gom đồ vải, dụng cụ, chất thải…

Vệ sinh tay với dung dịch có chứa cồn/cồn trong chlorhexidin

Chỉ sử dụng kỹ thuật vệ sinh tay với cồn khi bàn tay không dính máu và dịch cơ thể.

   Có 5 thời điểm bắt buộc người nhân viên y tế phải tuân thủ nghiêm ngặt vệ sinh tay (theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới).

Ngoài ra cần phải vệ sinh tay trong một số trường hợp sau:

– Trước khi mặc phương tiện phòng hộ cá nhân, trước khi mang găng tay;

– Sau mỗi thao tác tháo bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân;

– Khi chuyển chăm sóc từ nơi nhiễm sang nơi sạch trên cùng người bệnh;

– Trước khi kết thúc công việc tại khu vực cách ly đi ra  bên ngoài;

– Trước khi trở về gia đình.

CÁCH LY Y TẾ TẠI NHÀ, NƠI LƯU TRÚ ĐỂ PHÒNG CHỐNG BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA (NCOV)

Mục đích:

Ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV).

Hình thức cách ly:

Cách ly y tế theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Đối tượng cách ly:

Những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây:

a) Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;

b) Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;

c) Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;

d) Có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào;

đ) Ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ;

e) Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Thời gian cách ly

a) Cách ly tối đa 14 ngày, số ngày cách ly cụ thể được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam.

b) Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán loại trừ không mắc bệnh thì những người được cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly.

CÁCH LY Y TẾ TẠI CƠ SỞ CÁCH LY TẬP TRUNG ĐỂ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA (NCOV)

Mục đích:

Ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

Hình thức cách ly:

Cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Đối tượng cách ly:

Người đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Người Việt Nam đến từ hoặc đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trở về Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Bố trí khu vực cách ly:

Khu vực cách ly của người đến từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam phải được bố trí riêng biệt với nơi cách ly của các đối tượng khác.

Thi gian cách ly:

Cách ly 14 ngày tính từ ngày nhập cảnh.