1
Bạn cần hỗ trợ?

THỜI TIẾT CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC LÂY NHIỄM COVID-19 KHÔNG?

Khi nói đến nhiễm virus, chúng ta thường biết việc nhiễm bệnh có liên quan đến mùa trong năm. Tỉ lệ nhiễm virus cúm thường tăng lên vào mùa lạnh. Mùa khô (độ ẩm giảm) hoặc mùa mưa (độ ẩm tăng) cũng là lúc khởi điểm mùa cúm. Vậy đối với COVID 19, liệu việc nhiễm COVID 19 có liên quan đến thời tiết không?

Vẫn còn quá ít các dữ liệu nghiên cứu về việc gây bệnh của COVID 19 để trả lời câu hỏi này, nhưng chúng ta có thể tham khảo các dữ liệu về các Coronavirus khác như SARS, MERS-CoV.

Nhiệt độ phát triển phù hợp nhất của Coronavirus trên bề mặt môi trường là từ 4°C – 20°C. Ở nhiệt độ nảy, Coronavirus sống nhiều ngày đến nhiều tuần trên bề mặt môi trường. Tuy nhiên, các phương pháp vệ sinh thường quy cũng đủ diệt coronavirus trên bề mặt: có thể bất hoạt với nước nóng >56°C trong 25 phút, 65oC trong vài phút hoặc với các hóa chất khử khuẩn thông dụng. Một thử nghiệm đánh giá khả năng gây bệnh của Coronavirus trong môi trường ở nhiệt độ 14°C, 19°C, 25°C, 37°C trong các điều kiện độ ẩm không khí khác nhau cho thấy:

– Nhiệt độ càng thấp, khả năng gây bệnh càng cao.

– Ở 25°C, xác suất gây bệnh giảm thấp nhất ở độ ẩm 75%

– Khả năng gây bệnh giảm gần như zero ở nhiệt độ 34°C-37°C ở độ ẩm từ 60% – 85% ở cả đường không khí và giọt bắn.

Như vậy, khi thời tiết nóng lên, khi độ ẩm trong giới hạn trên 60% và dưới 85%, khả năng gây bệnh sẽ rất thấp. Hiện tại độ ẩm ở TPHCM đang dao động từ 55-65%, nhiệt độ từ 22°C – 33 °C, chưa phải là điều kiện lý tưởng để ngăn chặn virus gây bệnh. Trong tháng tới, khi nhiệt độ và độ ẩm tăng, khả năng mức độ lây lan bệnh sẽ giảm xuống. Tăng cường thông khí, vệ sinh nhà cửa, phòng bệnh, khử khuẩn các bề mặt, trang thiết bị luôn cần thiết để giảm mật độ virus ở bất kỳ thời tiết nào.

 

PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư