1
Bạn cần hỗ trợ?

Thói quen ăn uống phòng bệnh bướu cổ

Ăn nhiều cá biển, tôm, ghẹ, ốc; nêm gia vị bổ sung iốt… giúp giảm nguy cơ mắc bướu cổ ở người lớn lẫn trẻ em.

Iốt là nguyên tố cần thiết cho quá trình tổng hợp nội tiết tố tuyến giáp trạng, giúp phát triển não bộ và tăng trưởng thể chất ở trẻ em. Ngoài ra, còn tham gia vào quá trình chuyển hóa dinh dưỡng, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Phụ nữ mang thai thiếu iốt dễ sinh non, dọa sảy; trẻ nhỏ chậm phát triển trí tuệ, hạn chế chiều cao và cân nặng, bướu cổ.

Trẻ 1-8 tuổi cần khoảng 90mcg, người trưởng thành nên ăn 150mcg iốt mỗi ngày. Những thực phẩm giàu dồi dào vi chất này nhất phải kể đến cá biển (một kg cá thu chứa 800mcg iốt), cua ghẹ (100mcg), ốc biển (900mcg), cần tây (160mcg), súp lơ (12mcg), cải thảo, khoai tây…

Iốt cần thiết cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, cho con bú.
Iốt cần thiết cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai, cho con bú.

Ngay cả khi dị ứng với hải sản hoặc điều kiện kinh tế hạn hẹp, bạn vẫn có thể bổ sung đầy đủ cho cả gia đình bằng các loại gia vị (muối, hạt nêm) chứa iốt.

Giai đoạn 2005-2006, hơn 90% hộ gia đình được sử dụng muối iốt đầy đủ nhờ chiến dịch vận động toàn dân phát động năm 1994. Tỷ lệ bướu cổ ở trẻ em 8-10 tuổi giảm từ 12,9% (năm 1998) xuống còn 3,6% (năm 2005).

Tuy nhiên, sau khi rút khỏi chương trình mục tiêu quốc gia về y tế năm 2005, con số này dần tăng trở lại. Mặc dù lượng iốt cần cung cấp hàng ngày không nhiều, song tỷ lệ dân số thiếu hụt vẫn ở mức cao. Năm 2013-2014, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ 9-10 tuổi là 9,8%, cao hơn ngưỡng khuyến cáo 5% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Khảo sát sử dụng muối iốt ở TP HCM của Viện Dinh dưỡng năm 2015 cũng cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình dùng hạt nêm là 81,8%; nước mắm 98,7%; trong khi muối iốt còn 64,4%. Thói quen ăn uống giảm sử dụng muối iốt; tăng hạt nêm, nước mắm… là nguyên nhân khiến tỷ lệ bướu cổ gia tăng trong những năm gần đây.

Trả lời